Nguyễn Hoàng Nhật

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Nguyễn Hoàng Nhật

    Tư liệu về Bác Hồ

    avatar
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 06/11/2009

    Tư liệu về Bác Hồ Empty Tư liệu về Bác Hồ

    Bài gửi  Admin Sun Nov 08, 2009 8:25 am

    “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “học thuyết C.Mác” vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh tuý nhất của học thuyết khoa học và cách mạng đó. Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hoá của cả loài người, vì thế, Bác Hồ được thế giới nói đến như là một danh nhân văn hoá.



    Có được điều đó, trước hết là do Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về dân tộc mình, thấm nhuần lịch sử và văn hoá của dân tộc. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng của học thuyết C.Mác gắn với tư duy thực tiễn của người cách mạng Việt Nam gắn bó máu thịt với dân tộc mình, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp hài hoà đó.



    Nhân kỷ niệm lần thứ 118 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin mạnh dạn gợi lên đôi điều suy nghĩ: làm thế nào nghiên cứu để hiểu thật sâu sắc, để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin chỉ gợi lên mấy vấn đề về hiểu và về phương pháp nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh:



    Con người Hồ Chí Minh



    Nói đến tư tưởng, trước hết phải nói đến con người. Con người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với những sự kiện lịch sử Việt Nam, với những biến động lớn của thế giới trong một thời đoạn lịch sử đặc biệt với những biến động cực lớn.



    Nguyễn Ái Quốc đến với học thuyết của C.Mác và Ph. Angghen, đến với tư tưởng của V.I Lênin, từ thân phận của một người mất nước, một người dân thuộc địa, một người được hấp thu nền học vấn và triết lý phương Đông, rồi được bổ sung văn hóa và triết lý phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp. Con người ấy, so với C.Mác, Ph Angghen và V. I Lênin, thì trải nhiều oan nghiệt, cay đắng về thân phận cá nhân hơn nhiều. Từ thân phận ấy, Hồ Chí Minh dễ có sự thông cảm sâu sắc hơn và mãnh liệt hơn với người dân thuộc địa nói riêng và những người lao động nghèo khổ, những dân tộc đang bị nô lệ, bị giày xéo phải gánh chịu áp bức, bất công trên thế giới nói chung. Sự cảm thông ấy không chỉ dừng lại ở thân phận cá nhân để nhìn ngắm và suy đoán về thế giới, mà đã vượt khỏi chính mình để có được cái tầm cao của người chiến sĩ cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.



    Là con người sống ở gần ba phần tư đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh có điều kiện để thấy và hiểu được sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa với phong trào giải phóng dân tộc làm thay đổi cục diện thế giới từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, tạo ra một phản ứng dây chuyền, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ, xuất hiện chủ nghĩa thực dân mới. Ba phần tư thế kỷ này chất chứa bao nhiêu sự biến, tác động mạnh đến số phận của nhiều dân tộc trên hành tinh này.

    Tuy nhiên, cũng như C.Mác, Ph Angghen và V.I Lênin, Hồ Chí Minh không thấy được những biến động dữ dội về đời sống chính trị làm thay đổi diện mạo của thế giới mà sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của một phần tư cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, những sự biến nổi bật nhất. Đặc biệt khoa học và công nghệ, một phần tư thế kỷ này có những bước tiến lớn hơn rất nhiều những thế kỷ trước gộp lại.



    Chứng kiến những biến động ấy khiến cho tầm mắt không ít người đươc mở rộng hơn nhờ vào “sự xé toang một tấm màng bưng bít, sự hiện ra và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ một số huyền thoại, sự phá sản nhiều giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới, không phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời sống, sự khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc và tái tạo đầy hứa hẹn” .



    Hồ Chí Minh đã từng là người đứng ở vị trí quyền lực cao nhất của Đảng và Nhà nước của một nước Việt Nam đã giành được độc lập, tự do trong 24 năm, từ tháng 8.1945 đến tháng 9.1969, sau cũng ngần ấy năm đã từng là lãnh tụ của Đảng, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước 1945. So với V.I Lênin chỉ có 7 năm lãnh đạo Nhà nước Xô Viết (1917-1924), Hồ Chí Minh có hơn gấp ba thời gian ở cương vị Chủ tịch nước. Với 24 năm là lãnh tụ của một Đảng cầm quyền, là Chủ tịch Nước, đứng ở đỉnh cao quyền lực, song Hồ Chí Minh trước sau vẫn thủy chung như nhất là người lãnh tụ của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiếm trọn trái tim của nhân dân, xứng đáng với lời ghi nhận của nhân dân và của Đảng: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

      Hôm nay: Tue May 21, 2024 3:10 am